Phân tích Bài ca ngất ngưởng chi tiết nhất

Phân tích Bài ca ngất ngưởng chi tiết nhất


Các bài mẫu phân tích Bài ca ngất ngưởng của tác giả Nguyễn Công Trứ dưới đây chắc chắn sẽ là tài liệu cần thiết cho các em học sinh lớp 11 chuẩn bị cho các kì thi sắp tới. Hôm nay Top 10 Branding sẽ tổng hợp Top 15 bài phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng hay nhất. Hãy cùng cúng tôi tìm hiểu nhé!

Xem thêm:

Dàn ý Bài ca ngất ngưởng

Sơ đồ tư duy Bài ca ngất ngưởng

#phantichbaicangatnguong #danybaicangatnguong #sodotuduybaicangatnguong

Phân tích Bài ca ngất ngưởng lớp 11

Ngay lúc chưa có danh phận gì, Nguyễn Công Trứ đã từng tự hứa với mình: “Đã mang tiếng ở trong trời đất – Phải có danh gì với núi sông” (Đi thi tự vịnh). Chưa có rồi sẽ có, chỉ cần quyết tâm và nhất là cần tài năng, mà hai cái đó, Nguyễn Công Trứ thấy mình có đủ. Được hậu thuẫn bởi những thành công trong sự nghiệp, cùng với thời gian, niềm tự tin trong ông ngày càng được củng cố.

Ông đã ngất ngưởng và thấy mình có quyền ngất ngưởng – ngất ngưởng trong đời và cả trong thơ, ngất ngưởng từ lúc bạch diện thư sinh, lúc hoạn hải ba đào cho tới tận lúc đã ra ngoài vòng cương tỏa. Đối với ông, ngất ngưởng là một giá trị, một cách khẳng định giá trị. Thật tự nhiên khi ông có hẳn một bài thơ nói về sự ngất ngưởng, đặt ngất ngưởng lên bình diện ý thức, nghĩa là kể về nó, luận về nó một cách trực diện – ta đang nói về bài thơ hát nói vào hàng xuất sắc nhất của Nguyễn Công Trứ: Bài ca ngất ngưởng !

Cho đến nay, trong đời sống, từ ngất ngưởng đã được dùng, được hiểu theo các nghĩa chính: một là thế ngồi, thế tồn tại ở vị trí chênh vênh trên cao, lắc lư dễ ngã, dễ đổ; hai là cách sống, thái độ sống, một kiểu ứng xử có phần khác biệt, thậm chí thách thức với các chuẩn mực thông thường vốn được người đời chấp nhận.

Ở bài thơ của Nguyễn Công Trứ, từ “ngất ngưởng” đã được dùng chủ yếu với nghĩa thứ hai, tức là nghĩa chỉ định một phạm trù thuộc tinh thần. Qua bốn lần xuất hiện ở những câu then chốt (câu cuối của mỗi khổ) và ở vị trí then chốt của câu (từ cuối cùng – trừ câu thứ 19, do mô hình vần của thể loại không cho phép), từ “ngất ngưởng” đã đảm nhiệm vai trò chính trong việc làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ gần như trùng khít với tác giả. Hoàn toàn có thể xem đây là một bài thơ tự vịnh bởi suốt cả tác phẩm, nhà thơ nói trực tiếp về mình, từ sự nghiệp có thể gọi là hiển hách đến cách sống chẳng giống ai và thái độ tự tôn, tự tại rất mực. Nhưng cách tự vịnh của Nguyễn Công Trứ cũng độc đáo khác người. Tác giả đã dùng nhiều từ, cụm từ khác nhau để gọi mình: ông, ông Hi Văn tài bộ, ông ngất ngưởng, tay ngất ngưởng (cũng có thể kể thêm cụm từ “phường Hàn, Phú”).

Mới đọc qua, người đọc dễ tưởng có một ai đó đang nói về Nguyễn Công Trứ, bởi những ông, những tay đã được dùng như các đại từ thuộc ngôi thứ ba. Ở đây nhà thơ đã khách quan hóa bản thân, tách mình ra khỏi mình để xem xét mà không sợ “cái mình” ấy bị “nhỏ” đi. Phải là một kẻ rất tự tin mới làm nổi điều này.

Nhà thơ ý thức rất rõ rằng mình là một giá trị hiển nhiên giữa đời, không thể phủ nhận. Ông ngông nghênh đặt mình ngang hàng với những nhân vật lỗi lạc ngày xưa. Kết cấu câu chẳng… cũng (“Chẳng Trái, Nhạc cũng phường Hàn, Phú”) thể hiện một thái độ tự đánh giá cao rất dứt khoát. Ta tưởng như nghe ông nói: “Cái tay Nguyễn Công Trứ ấy, cũng được đấy chứ nhỉ !”.

Bài ca ngất ngưởng thuộc loại bài thơ hát nói dôi khổ gồm 19 câu. Đi vào khổ đầu tiên, ta đã thấy hiện lên một con người ngang trời dọc đất:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự,

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Câu thơ chữ Hán mở đầu toát lên giọng điệu trang trọng, rắn rỏi, khẳng định mạnh mẽ lí tưởng nam nhi mà tác giả tự nguyện hướng theo: trong vòng trời đất, không việc gì không phải là việc của mình. Dĩ nhiên, đây là lí tưởng chung của những người được đào luyện trong môi trường Nho học và Nguyễn Công Trứ không có phát triển gì thêm. Nhắc lại nó, chẳng qua nhà thơ muốn tái hiện trạng thái tràn trề nhiệt huyết của mình buổi quyết định bước vào lồng.

Âm vang trong câu thứ hai là một lời hứa hẹn, một thách thức, với mình và với đời, rằng: Hãy chờ đó mà xem ! Về hai chữ vào lồng, có người cho rằng nó thấm vị chua chát, thể hiện sự ý thức về tình trạng trói buộc, tù túng của chốn quan trường. Nhưng theo mạch thơ, “lồng” ở đây trước hết là lồng phận sự. Đã nói đến phận sự là nói đến cái luật của nó mà người ta không được phép quên. Đã chơi thì phải chấp nhận luật chơi – chấp nhận để vượt qua, và cũng để thể hiện được cái tài, cái giỏi của mình.



Report Page