Chay dua phong chong dich benh

Chay dua phong chong dich benh

diatien

Bệnh viêm phổi Vũ Hán đã trở thành đại dịch, đang đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên thế giới, khiến các nhà khoa học khắp nơi đang cố gắng dốc toàn lực để chạy đua tìm nhiều cách tạo ra vắc xin giúp phòng ngừa con virus nguy hiểm này.

Trong quá khứ, thường một loại vắc xin từ lúc bắt đầu nghiên cứu cho đến khi có thể đưa vào sử dụng rộng rãi phải mất từ 5 - 15 năm.

Hiện nay, nhờ những tiến bộ khoa học trong nhiều lĩnh vực, nhất là về công nghệ sinh học, cùng với những khoản tài trợ khổng lồ từ các chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, một số các dự án phát triển vắc xin phòng bệnh đang được xúc tiến mạnh mẽ.

Sau khi dịch bệnh xuất hiện tại Vũ Hán vào tháng 12.2019, ngày 7.1.2020, Trung Quốc đã cho công bố chi tiết về việc giải trình tự bộ gen của loài virus mới này. Liền sau đó, cơ sở nghiên cứu vắc xin trên thế giới đã bắt tay vào đầu tư cho việc thiết kế vắc xin mới.

Nhờ những kinh nghiệm nghiên cứu vắc xin phòng chống các chủng virus tương cận từng gây bệnh dịch nguy hiểm trong những năm gần mà một số cơ sở có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu để sớm bắt tay vào sản xuất vắc xin phòng chống virus gây dịch bệnh hiện nay.

Theo truyền thống, tất cả các vắc xin tác dụng theo nguyên tắc cơ bản như nhau: Người ta đưa vào cơ thể, thường ở dạng tiêm và với liều thấp, một phần hoặc toàn bộ những mầm bệnh là vi khuẩn hay virus còn sống đã bị làm suy yếu, hoặc đã được làm bất hoạt một phần hay toàn bộ bởi nhiệt hoặc hóa chất. Các thành phần đặc trưng của những vi sinh vật này đóng vai trò là những kháng nguyên - để các tế bào miễn dịch của người được chủng ngừa sẽ tiếp xúc, nhận dạng, ghi nhớ và tạo ra các kháng thể chống lại với mầm bệnh đó về sau mỗi khi cơ thể bị mầm bệnh xâm nhiễm.

Những phương pháp cổ điển này có một số nhược điểm: Phải cần thời gian nuôi cấy để tạo ra một lượng lớn tác nhân gây bệnh đủ để chế tạo ra hàng loạt vắc xin. Ngoài ra, nếu dùng mầm bệnh còn sống, chúng có thể tiếp tục phát triển trong vật chủ, làm cho người nhận có thể bị bệnh.

Trong khi đó, vắc xin làm từ mầm bệnh bất hoạt thì phải dùng với liều cao hoặc phải chủng ngừa lặp lại nhiều lần để đạt được mức độ bảo vệ cần thiết.

Hiện nay, nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực y sinh học, một số hãng bào chế đã áp dụng những phương pháp thử nghiệm và sản xuất vắc xin từ virus (như các loại virus gây bệnh trong thời gian gần đây) bằng công nghệ tiên tiến hơn: Không dùng toàn bộ con virus gây bệnh mà chỉ dùng một phần tử protein đặc trưng của virus đó để tạo ra vắc xin. Điều này vừa giúp rút ngắn các công đoạn nghiên cứu, vừa giảm thiểu các khả năng gây phản ứng nguy hiểm do virus có thể gây ra.

https://suckhoetuoitre.com/bai-viet

Report Page